Aa

Xây dựng nhà ở xã hội còn chịu cảnh “giật gấu vá vai”

Thứ Hai, 23/10/2023 - 13:41

Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội dù đã được bàn nhiều nhưng đến nay việc xây dựng vẫn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân do các chính sách chưa được nghiên cứu đầy đủ, hợp lý.

“Chỉ đến khi thiếu, mới vội xem xét”

Tại hầu hết các tỉnh, thành phố đều đang trong tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm qua, không chỉ đơn giản là vấn đề nhà ở mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội, phát triển đô thị,… gây khó khăn cho cuộc sống của những người chưa có nhà.

Đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa phát huy hết được tầm quan trọng và đáp ứng được nhu cầu về xã hội. Đặc biệt, chỉ khi thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn khủng hoảng, khó khăn, chênh lệch phân khúc nghiêm trọng thì câu chuyện nhà ở xã hội mới được bàn đến nhiều hơn.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhu cầu về nhà ở xã hội đang ngày một lớn hơn, song nguồn cung cùa phân khúc này lại vô cùng hạn chế do các chủ đầu tư chưa thực sự “mặn mà” để tập trung vào phát triển nhà ở xã hội. Bởi lẽ, về phía các doanh nghiệp đều cho biết, công đoạn bắt đầu tiến hành làm thủ tục đến xây dựng được nhà ở xã hội thường mất quá nhiều thời gian và phưc tạp hơn so với việc xây dựng nhà ở thương mại.

ts đinh trọng thịnh
TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế (Ảnh minh họa: Reatimes)

“Các chi phí để xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa được thực sự hỗ trợ như đã quy định, lãi suất bị khống chế, các yêu cầu đáp ứng về nhà ở xã hội cũng đòi hỏi chặt chẽ hơn so với nhà ở thương mại. Chính vì thế, đa phần các chủ đầu tư đều cảm thấy bó tay ở nhiều công đoạn xây dựng nhà ở xã hội nên họ thường không mặn mà”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết thêm, quy định phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội đang nảy sinh nhiều vấn đề, việc đặt nhà ở xã hội ngay bên cạnh nhà ở thương mại, đặc biệt là nhà ở trung – cao cấp, chắc chắn có sự chênh lệch về nhu cầu sử dụng hạ tầng xã hội và tiện ích. Điều này sẽ khiến việc thực hiện nhà ở xã hội ngày càng khó thực hiện.

Nguyên nhân khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu như mong muốn còn nằm ở khâu quy hoạch và cơ sở pháp lý xây dựng nhà ở xã hội còn vướng mắc nhiều. “Hầu hết tại các địa phương, tỉnh thành đều chưa có quy hoạch cho khu vực xây dựng nhà ở xã hội. Chúng ta phát triển nhà ở xã hội còn theo kiểu giật gấu vá vai, khi mà nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn nhưng nguồn cung không đủ để đáp ứng thì chúng ta mới xem xét đến”, ông Thịnh cho hay.

nhà ở xã hội
Xây dựng nhà ở xã hội còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu người dân (Ảnh minh họa: VnExpress)

Đồng quan điểm, PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII cho biết, việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội dù đã có các chính sách phát triển nhưng chưa nghiên cứu đi sâu, đầy đủ cũng như chưa có cách làm sao cho hợp lý. Đặc biệt, trong quá trình giám sát phát triển và xây dựng các công trình nhà ở xã hội còn “lỏng lẻo” quản lý, dẫn tới việc dù đã quy định 20% quỹ đất nhà ở thương mại dùng để phát triển nhà ở xã hội nhưng hầu như các dự án đều không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội còn “vướng” phải nhiều thủ tục pháp lý chồng chéo khiến các chủ đầu tư xây dựng gặp nhiều rắc rối và khó khăn liên tục khiến họ nản chí, không muốn thực hiện.

“Các chính sách phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Đây là một báo động lớn đối với thị trường nhà ở tại Việt Nam”, bà An chia sẻ.

Xây dựng đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội

TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, hiện nay tất cả mọi người đều đang trông chờ vào các sửa đổi pháp lý sắp tới như sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác, từ đó sẽ có sự thay đổi cơ bản trong các quy định phát triển xây dựng nhà ở xã hội sắp tới.

Để có nguồn cung nhà ở xã hội kịp thời, nhanh chóng và đáp ứng cho người dân, theo ông Thịnh, tại từng địa phương cần phải có quy hoạch rõ ràng khu vực xây dựng nhà ở xã hội, quy hoạch nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp và khu tập trung dân cư, từ đó có quy hoạch lâu dài phát triển các cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đi kèm như đường xá, chợ búa, trường học,…

“Chúng ta phải làm thế nào để các chủ đầu tư thực sự quan tâm và thực hiện xây dựng nhà ở xã hội nhanh nhất, nhiều nhất nhưng vẫn phải đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nhà ở cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân tại đó”, ông Thịnh nói.

Bà An
PGS. TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII (Ảnh minh họa: VOV)

Các chuyên gia nghiên cứu cũng cho rằng, khi xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp cần có các chính sách quan tâm đúng mực, có trách nhiệm cũng như phải bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn, chất lượng sinh sống đầy đủ mới có thể thu hút được người dân, đáp ứng đúng nhu cầu thiết thực.

PGS. TS. Bùi Thị An cho biết, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp không có nghĩa là nhà ở chất lượng thấp, không an toàn mà cần chú trọng xây dựng các tiện ích đi kèm như chợ, trường học, sân chơi,… để phục vụ cuộc sống người dân.

“Cần có những chính sách cụ thể cho từng đối tượng khác nhau như người lao động, sinh viên, người thuộc diện tái định cư,… để có các tiêu chí phù hợp, cụ thể và bình đẳng. Đây là cách để đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế việc người dân phải sống trong các khu nhà không đảm bảo an toàn. Chỉ khi làm được những điều này thì mới có thể phát triển và xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người dân nhanh chóng được”, bà An nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top