Aa

Thông tin địa phương (29/4 - 5/5): Chú trọng phát triển dự án nhà ở xã hội

Thứ Hai, 06/05/2024 - 10:14

Tuần qua, nhiều địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án nhà ở xã hội nhằm thúc đẩy phân khúc này, sớm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở của người lao động.

Bắc Ninh: Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án nhà ở xã hội

Với quyết tâm trở thành hình mẫu về phát triển nhà ở xã hội theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy triển khai, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhà ở xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, tinh thần của tỉnh là luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, có lợi nhất để doanh nghiệp, chủ đầu tư yên tâm đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện đề án xây dựng nhà ở xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh thực hiện 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân KCN, tổng diện tích đất khoảng 173ha. Các dự án khi hoàn thành đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người. Các chủ đầu tư kiến nghị một số vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khách hàng; quy định về bảo đảm phòng cháy, chữa cháy; việc gia hạn tiến độ đầu tư của các dự án đã được phê duyệt; mức giá cho thuê; chi phí vận hành, quản lý khu nhà ở xã hội…

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, đơn vị rà soát rất kỹ những nhóm kiến nghị của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Đồng thời, phân loại các vướng mắc, trên cơ sở quy định của pháp luật. Những gì có thể giải quyết được, Sở đề nghị tối ưu các nhóm giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Còn lại, các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, sở tiếp thu, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị lên Trung ương để tháo gỡ…

Thị trường địa ốc Đắk Lắk: Khuấy động với nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk cho biết sẽ cùng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Ân Phú (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức đợt truyền thông chính sách nhà ở xã hội từ đầu tháng 5/2024, trở thành động thái khuấy động thị trường chung. Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Ân Phú cung ứng 330 căn nhà ở chung cư, dự kiến hoàn thành xây dựng trước tháng 7/2024. Hiện nay, địa phương đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ dự án xúc tiến thương mại hiệu quả, kịp thời cung ứng cho người lao động có nhu cầu nhà ở thực thụ.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội đến năm 2025, gồm 4 dự án đầu tư độc lập và 7 dự án đầu tư từ các khu đô thị thương mại, cung cấp 4.925 căn nhà, với tổng diện tích sàn 512.412m2. Riêng năm 2024, Đắk Lắk dự tính xây 1.200 căn nhà ở xã hội, bố trí ở 2 dự án nhà ở xã hội độc lập (đang hoàn thiện thủ tục pháp lý); và 2 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư.

Nhà ở xã hội Khu đô thị Ân Phú (Buôn Ma Thuột)

Nhà ở xã hội Khu đô thị Ân Phú (Buôn Ma Thuột)

Thanh Hóa phê duyệt đồ án quy hoạch Khu đô thị hơn 437ha tại Nghi Sơn

Ngày 2/5, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị số 04, Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là khu vực dân dụng thuộc thị xã Nghi Sơn với các chức năng chủ yếu như Trung tâm nghiên cứu đào tạo, đất công cộng dịch vụ, cây xanh, mặt nước, khu dân cư hiện trạng cải tạo.

Quy mô đất đai khoảng 437,5ha, trong đó, xã Hải Nhân 422,0ha, phường Nguyên Bình 15,5ha; quy mô dân số 4.000 người, gồm: dân số hiện trạng năm 2022 khoảng 1.250 người; dân số phát triển khoảng 2.750 người.

Chỉ tiêu sử dụng đất đạt được của đồ án gồm: Đất đơn vị ở mới 16,11ha (40,3 m2/người); trong đó, đất nhóm nhà ở mới 8,22ha (35,2 m2/người); đất tái định cư 7,89ha (70,4 m2/người); đất dịch vụ - công cộng cấp đơn vị ở: 3,64ha (9,1 m2/người), trong đó, đất văn hoá 0,38ha (gồm đất nhà văn hóa hiện trạng và phát triển mới). Đất giáo dục (trường THCS, tiểu học, mầm non): 2,92ha. Đất dịch vụ đơn vị ở 0,34ha.

Đất huyện Hà Nội trúng đấu giá hơn 74 triệu đồng/m2, sắp đấu thêm hàng chục thửa

Phiên đấu giá 34 thửa đất thuộc 3 dự án ĐG02; ĐG08 thôn Khánh Tân xã Sài Sơn và ĐG 06 xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai với tổng diện tích là 3.100m2 được tổ chức ngày 25/4 vừa qua, huyện vừa đấu giá thành công 34 lô đất, trong đó lô có giá trúng cao nhất là 74,1 triệu đồng/m2.

Sang tháng 5, các huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 62 thửa đất. Các thửa đất thuộc dự án khu tái định cư sân Golf Hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ. Diện tích các thửa từ 167,2 đến 706,2 m2/thửa. Giá khởi điểm từ hơn 5,4 triệu đồng đến gần 8 triệu đồng/m2.

Hà Nội sắp đấu giá hàng chục thửa đất tại huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên. Ảnh minh họa. Ảnh: DV

Hà Nội sắp đấu giá hàng chục thửa đất tại huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên. (Ảnh minh họa: DV)

Sau khi sáp nhập, Ninh Bình sẽ có thành phố rộng trên 150km2

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, huyện Hoa Lư và TP. Ninh Bình sẽ được sáp nhập thành đơn vị hành chính thành phố mới, dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư với diện tích tự nhiên là 150,24km2.

Theo lộ trình, đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành việc hợp nhất với định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu, là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.

Sau khi sáp nhập, Ninh Bình sẽ có thành phố rộng trên 150km2. Ảnh: Thế Minh

Sau khi sáp nhập, Ninh Bình sẽ có thành phố rộng trên 150km2. (Ảnh: Thế Minh)

Nam Định: Đấu giá quyền sử dụng 129 lô đất làm nhà ở tại khu dân cư tập trung thị trấn Quỹ Nhất

Ngày 19/5, Công ty Đấu giá hợp danh Trường Sơn và UBND huyện Nghĩa Hưng sẽ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 129 lô đất cho nhân dân làm nhà ở tại khu dân cư tập trung thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Theo thông báo, 129 lô đất đấu giá có tổng diện tích 17.219m2. Các lô đất có diện tích từ 92 - 360 m2/lô. Giá khởi điểm từ 837 triệu đồng đến hơn 3,379 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm 129 lô đất là hơn 168,433 tỷ đồng. Giá khởi điểm đấu giá tài sản trên chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí. Người mua được tài sản phải nộp tất cả các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật. Tiền đặt trước của từng lô đất bằng 20% tổng giá trị của thửa đất tính theo giá khởi điểm.

Yên Bái: Đảm bảo tiến độ thi công một số công trình dự án, trọng điểm

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án, công trình trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong tháng 4/2024 các ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn tất thủ tục thanh, quyết toán, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; đồng thời, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, các dự án, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn, bao gồm cả kế hoạch tạm ứng vốn.

Thanh Hóa sẽ di dời 700 cơ sở ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Theo số liệu báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến đá xẻ, đá ốp lát; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng; thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì… Trong đó có 700/826 (chiếm 84,74%) cơ sở đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố không đầu tư các công trình bảo vệ môi trường hoặc đầu tư không đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Thanh Hóa sẽ rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau. Thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, hộ gia đình, chủ sở hữu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý; tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top