Madame Nguyễn Thị Nga và danh dự trên bản đồ thương hiệu toàn cầu

Madame Nguyễn Thị Nga và danh dự trên bản đồ thương hiệu toàn cầu

Hà Thư
Hà Thư hathu132@gmail.com
Thứ Sáu, 25/06/2021 - 06:00
brg
brg

Chuỗi seri Dự án Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc với những câu chuyện về hành trình, sứ mệnh của các doanh nhân Việt Nam với sự phát triển của nước nhà, đưa chân tôi đến gặp chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính. Mở đầu cho cuộc chuyện trò rất dài và nhiều cảm hứng, ông chia sẻ với tôi về đại dịch Covid-19. Có lẽ, chưa khi nào, thế giới và Việt Nam lại phải sống trong những “đêm trường” chưa nhìn thấy hồi kết như vậy. Nhưng cũng vì thế mà trong khó khăn, ta mới thấy trân quý biết bao những nghĩa cử nhân ái của tình đoàn kết, mà trên hết là tinh thần xung phong, lăn xả hết mình của các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Sự thật là, không chỉ đến bây giờ vai trò của họ mới được khẳng định, mà họ đã đồng hành cùng đất nước qua rất nhiều thăng trầm lịch sử. 

Tại đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiệm vụ cấp bách được Chính phủ đặt ra là “không chỉ phòng, mà còn phải đấu tranh với đại dịch”, Việt Nam đứng trước thử thách cần có 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí hơn 25 nghìn tỷ đồng – một con số không hề nhỏ trong bối cảnh đầy khó khăn thực tại. Cùng với nỗ lực của Chính phủ, nhân dân cả nước một lần nữa được chứng kiến sự liên kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, chung tay cho mục tiêu 150 triệu liều vaccine bằng nhiều giải pháp và nỗ lực. 

brg
brg
brg

Tinh thần xung phong, lăn xả hết mình của các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Trong lời kêu gọi huy động mọi nguồn lực cho chiến lược vắc xin phòng Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến những thời kỳ dân tộc còn trong gian khó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình đưa đất nước Việt Nam vượt qua khó khăn giai đoạn đầu thành lập đã đặc biệt coi trọng vai trò của giới doanh nghiệp. 

Câu chuyện mà chúng ta không thể quên ấy là chỉ hơn hai tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Sau cuộc gặp này, Chính phủ được giới công thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) cả nước ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công thương, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, Người nhấn mạnh về nhiệm vụ của giới công thương trong các giai tầng xã hội: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Đồng thời, Người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”. 

Trong hơn 1 năm kiên cường chống đại dịch, hàng nghìn tỷ đồng, công của lẫn sức lực đã được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam gửi về chung tay cùng Chính phủ. Đó là sự hồi đáp tận tâm của họ trước sự an nguy và phát triển của nước nhà. 

BRG Madame Nga

Bối cảnh này khiến tôi nhớ đến những lời chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG. Trong Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Singapore tổ chức vào cuối năm 2019, chỉ trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vài tháng, bà nói rằng một quốc gia hùng mạnh không chỉ bởi quy mô, mà là ý chí, sự gắn kết, sức chịu đựng, tính kỷ luật của người dân và phẩm chất của người lãnh đạo.

“Những phẩm chất này sẽ đảm bảo cho quốc gia có được vị trí danh dự trong lịch sử. Doanh nghiệp cũng cần những phẩm chất đó. Chúng tôi có cả sự tuân thủ và trách nhiệm trong mình”, bà Nga chia sẻ. 

Đó không phải lần đầu nữ Chủ tịch BRG nói về trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong các cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp những năm gần đây, bà đều nói rõ về trách nhiệm với sự phát triển của đất nước thông qua những dự án trọng điểm, đóng góp cho GDP của Việt Nam qua sản phẩm và dịch vụ và đóng góp cho kinh tế xã hội qua việc tạo ra việc làm ổn định trên khắp đất nước. 

Và thực tế là, kể từ đầu năm 2020 tới nay, trước khó khăn của cả nước, tổng số tiền ủng hộ đóng góp của Tập đoàn BRG và SeABank cho các hoạt động phòng chống và hỗ trợ khắc phục dịch Covid-19 lên đến gần 50 tỷ đồng. 

Rút cuộc thì, hành trình “trách nhiệm” và “sứ mệnh” mà bà Nguyễn Thị Nga đã và đang đi có hình hài như thế nào? Thứ gì đã thôi thúc BRG và người đàn bà “thép” ấy dấn thân mạnh mẽ ra trường quốc tế, “bắt tay” với rất nhiều thương hiệu ngoại quốc lẫy lừng trong suốt 3 thập kỷ qua? Câu chuyện để những sân golf, khách sạn 5 sao đẳng cấp, những chuỗi tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu hàng đầu… mà BRG đã nỗ lực mang về Việt Nam cụ thể là gì? Con đường mà bà Nga lựa chọn đi - hướng đến giới quý tộc, hướng đến những trải nghiệm sống đẳng cấp hơn cho người Việt - liệu có thực sự đúng đắn? Những điều ấy tôi đã được thông tỏ qua cuộc chuyện trò đầy thú vị với PGS. TS. Ngô Trí Long. 

brg

Bằng chất giọng trầm ấm, ông dành cho tôi một chuyện trò với thời lượng dài hơn dự kiến. Với tôi, đó là món quà quý giá đến từ vị chuyên gia khẳng khái, đã ngoài 70 tuổi này. Sự thông thái và có phần kỹ tính của ông không ngừng lôi cuốn tôi.

PGS. TS. Ngô Trí Long – người dành cả cuộc đời để quan sát, nghiên cứu, dõi theo thị trường của Việt Nam, chậm rãi chia sẻ khi tôi đề cập đến khát vọng nâng tầm thương hiệu quốc gia, mang đến những trải nghiệm sống và hưởng thụ mới cho người Việt của các doanh nhân nước nhà. Ông mở đầu câu chuyện bằng việc nói đến ý thức về thương hiệu của mỗi doanh nghiệp: 

BRG Madame Nga

“Với bất kỳ một doanh nghiệp nào trong cơ chế thị trường, cơ chế cạnh tranh thì xây dựng thương hiệu là điều rất quan trọng. Nói đến thương hiệu là người ta biết được sản phẩm, chất lượng và tính ưu việt của sản phẩm đó. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cần thiết để tồn tại, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Câu chuyện thương hiệu được đánh giá trên chất lượng sản phẩm, giá cả, chất lượng dịch vụ. Nói đến thương hiệu là người ta sẽ nói đến 3 yếu tố cơ bản đó. Để cho người tiêu dùng nhận biết được chất lượng sản phẩm, ưu nhược điểm với các sản phẩm cùng loại, trong nước và nước ngoài, từ việc giá cả có hợp lý hay không, cách tiếp thị ra làm sao v.v…

Mọi thứ đều cần phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Cạnh tranh trong thị trường là cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ, phục vụ tốt hay không… Tất cả đều đòi hỏi rất khắt khe. Sẽ không có sản phẩm chất lượng tốt mà giá lại rẻ. Giá phải tương đương với chất lượng. Ngoài ra còn là câu chuyện dịch vụ và hậu mãi như thế nào, dịch vụ trong quá trình tiêu dùng, bảo dưỡng ra sao...”.

brg

- Ông nghĩ sao về việc doanh nghiệp liên kết với các thương hiệu quốc tế để khát khao nâng tầm trải nghiệm sống cho người Việt? 

PGS. TS. Ngô Trí Long: Mong muốn trải nghiệm là một phần. Để nâng tầm trải nghiệm sống cho người Việt, phải cho khách hàng trải nghiệm từ tiếp thị, mua bán, sử dụng và sau mua bán… Đó là cả một quá trình chứ không phải một quy trình đơn giản, bán xong là xong. 

Vì thế mà muốn trở thành người khổng lồ thì phải đứng trên vai người khổng lồ. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu bản thân anh không có năng lực thực sự, chiến lược không đáp ứng được mà lại mượn danh người khổng lồ này thì trước sau gì cũng không thể tồn tại trong cơ chế cạnh tranh đầy khốc liệt. 

- Khi kết hợp với những thương hiệu nước ngoài như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiết kiệm được rất nhiều vốn, thời gian gây dựng thương hiệu. Như vậy đây hẳn là một hướng đi rất lãi lời? 

PGS. TS. Ngô Trí Long: Điều ấy không chính xác. Nhìn qua thì tưởng chừng là như vậy. Vì như thế này, đối với những thương hiệu đã nổi tiếng trên thế giới, người ta có tiêu chuẩn và chuẩn mực nhất định. Nếu đã thụ hưởng thì phải biết được chất lượng phục vụ và chất lượng sản phẩm cũng như giá cả. Vậy thì theo cách đó, nếu đã mượn thương hiệu nước ngoài, tính toán những chi phí ban đầu nhỏ nhưng nếu trong quá trình trải nghiệm, nội dung bên trong không có, người ta gọi là “treo đầu dê bán thịt chó”, sẽ khiến người tiêu dùng thất vọng, thương hiệu cũng vô nghĩa và không có khả năng tồn tại. 

Với tư duy đứng trên vai người khổng lồ, mượn tiếng và kết hợp với một số tổ chức quốc tế, đó là hình thức bên ngoài mà mọi người nhìn thấy. Thực chất nội dung bên trong doanh nghiệp phải đạt được rất nhiều tiêu chuẩn của thương hiệu đó. Khi người tiêu dùng trải nghiệm, mang tiếng là thương hiệu lớn nhưng lại không đáp ứng được như người ta đã nghe thì cuối cùng cũng sẽ xa rời và việc làm đó không thể thành công được. Vì vậy, với những doanh nghiệp thành công với hướng đi này, đó là mồ hôi nước mắt của họ trong một hành trình dài. 

- Nói như vậy nghĩa là, ngoài năng lực, để đi theo con đường này thì phải thực sự bản lĩnh?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Thực sự là anh phải đủ điều kiện, năng lực và làm đúng chuẩn mực, cần cả thực danh trong cơ chế thị trường nữa. Uy tín của của một đơn vị là không ai cho, không ai làm mất mà tự anh tạo nên. 

Madame Nga

Việc kết giao với đối tác ngước ngoài, có một ngưỡng cửa đầu tiên là phải xem xét đối tác có đồng tình với mình hay không, thứ hai là phải xét đến năng lực, mình có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Đây là sự kết duyên, mà phải có sự tương xứng chứ không phải là làm bất chấp. Thương hiệu uy tín nước ngoài không bao giờ tự đánh mất uy tín của nó. Mà họ sẽ xem xét các đối tượng muốn kết hợp xây dựng thương hiệu với nhiều khía cạnh cụ thể… Đó là lý do tại sao mà mình muốn nội địa hoá nhiều sản phẩm nhưng lại không đáp ứng nổi mà phải nhập khẩu từ nước ngoài về, giả dụ như ô tô chẳng hạn... Phải biết được thế mạnh của mình trong từng bối cảnh. Nếu phối hợp được thì sẽ nâng cao được vị thế trong con đường kinh doanh. Đó là điều tất yếu.

Khi đã mượn danh thương hiệu nước ngoài thì phải có thực lực, chứ không phải làm ăn buôn bán chỉ 1 lần. Muốn làm ăn thì phải làm ăn lâu dài, vĩnh viễn, nếu chỉ nghĩ làm một lần thì không bao giờ có thể tồn tại. Nếu đã mượn danh thương hiệu để tạo lập uy tín trên thương trường nhưng đơn vị đó không đáp ứng được thì còn tai hại hơn là tự xây dựng thương hiệu riêng. 

Chia sẻ này của PGS. TS. Ngô Trí Long làm tôi nhớ đến một hành trình dài đầy bản lĩnh và cũng đầy chông gai để bà Nguyễn Thị Nga xây dựng nên thương hiệu BRG. Trải qua hơn ba thập kỷ hoạt động, BRG dưới sự lãnh đạo của bà đã và đang trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu của Việt Nam, với gần 22.000 cán bộ nhân viên và phủ rộng trên 15 lĩnh vực kinh tế cốt lõi. 

BRG tiên phong trong việc phát triển golf và du lịch golf với 7 sân golf 18 hố đẳng cấp thi đấu quốc tế, là đối tác độc quyền tại Việt Nam với Tập đoàn Nicklaus Design huyền thoại của Mỹ và Greg Norman của Australia; sở hữu 31 khách sạn thương hiệu quốc tế với những tên tuổi như Hilton, Marriott, Four Seasons, IHG, Sheraton...

BRG
BRG
brg
brg

Tập đoàn BRG sở hữu 31 khách sạn thương hiệu quốc tế với những tên tuổi hàng đầu...

Đây cũng là một trong những nhà xuất nhập khẩu uy tín hàng đầu Việt Nam với vùng nguyên liệu rộng lớn cùng hệ thống phân phối tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ gắn với thương hiệu Hapro.
Trong lĩnh vực phát triển bất động sản, Tập đoàn này đã cùng Sumitomo, một trong 3 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản động thổ Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với số vốn đầu tư dự kiến 4,2 tỷ USD, được kỳ vọng là nơi hội tụ tinh hoa của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Định vị sản phẩm ở phân khúc chất lượng cao, mong muốn đem lại các trải nghiệm đẳng cấp quốc tế, thậm chí là đón đầu xu hướng khu vực và thế giới, BRG và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình đã và đang ghi danh Việt Nam trên bản đồ quốc tế trên nhiều lĩnh vực mà họ tập trung đầu tư.

...

Quay trở lại câu chuyện với PGS. TS. Nguyễn Trí Long và nhìn vào những con số thống kê có phần choán ngợp ở trên về BRG trên nhiều lĩnh vực, tôi hỏi ông rằng, việc “dàn quân” trên nhiều “mặt trận” như vậy mà “mặt trận” nào cũng làm tốt, ông nghĩ sao về điều này, vị chuyên gia mỉm cười: 

“Trong hoạt động kinh doanh, nếu chỉ tập trung vào cái thế mạnh và thế mạnh đã đạt được thì đi sang một lĩnh vực khác là một xu hướng. Giống như con ong hút mật, nó đi lấy mật từ rất nhiều loài hoa và về luyện thành chất mật của riêng nó, gọi là mật ong… Nhưng mọi thứ phải trên cơ sở chính xác, hiệu quả”.

brg

Đồng điệu với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - ngân hàng, với hàng chục năm làm việc tại nhiều quốc gia phát triển, trong một cuộc trao đổi với tôi về câu chuyện hình thái kinh tế đa ngành của một doanh nghiệp đã chỉ ra rằng: “Đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh. Các tập đoàn phải hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Họ phải tạo ra được bàn đạp, nền tảng đi vào nhiều lĩnh vực trong thực tế. Điều thứ hai là về mặt rủi ro, khi họ phân tán những hoạt động của họ trên nhiều ngành nghề thì nếu ngành nghề này bị ảnh hưởng thì còn có ngành nghề khác bù lại.

Trên quan điểm phân tán rủi ro thì các công ty đa ngành nghề là những công ty quản lý một cách hiệu quả. Một doanh nghiệp dưới dạng hệ sinh thái đa ngành là một xu hướng tất yếu. Các công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bổ trợ cho nhau và tạo nên sức mạnh của tập đoàn lớn. Đây là điều kiện quan trọng cho một tập đoàn đi vào sân chơi của thế giới. Mấu chốt nằm ở chỗ, các công ty đi vào đa ngành nghề phải có thực lực tài chính rất lớn”.

brg
brg
brg

Một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, ấn tượng của Tập đoàn đa ngành BRG là bất động sản. Trên quan điểm phân tán rủi ro thì các công ty đa ngành nghề là những công ty quản lý một cách hiệu quả.

brg

Chia sẻ thêm về câu chuyện những “cái bắt tay” của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với những “ông lớn” trên thế giới, tôi hỏi PGS. TS. Ngô Trí Long rằng, đó dường như là một sự dấn thân dũng cảm, ông không hoàn toàn đồng tình với tôi về điều này: 

“Theo tôi thì không phải dũng cảm, mà trước tiên là họ phải có niềm tin. Với các đối tác tầm cỡ quốc tế như vậy khi tiếp cận tới thì anh phải có lòng tin, có năng lực thực sự, anh phải có ý chí và khát vọng nữa thì mới có thể làm được. 

Hình dạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, những khu đô thị mới mà bạn nhìn thấy… phần lớn đều xuất phát từ những con người khát vọng này - những con người có tiềm năng, dám nghĩ dám làm. 
Các đối tác nước ngoài đáng tin cậy nhìn chung đều rất thận trọng, cho nên người ta phải lựa chọn kỹ càng. Bản thân doanh nghiệp của ta phải có kế hoạch, chiến lược và nền tảng vững chắc thì mới kết giao được. Họ làm việc bằng năng lực thực sự. Ngoài nguồn lực về mặt tài chính, nhân lực phải có chất lượng. Trong bối cảnh và điều kiện hiện nay, ngoài công nghệ, yếu tố trí tuệ thì năng lực đội ngũ cực kỳ quan trọng. Vì thế mà những mối “bang giao” thành công và bền vững mà các doanh nghiệp Việt Nam có được, là điều đáng trân trọng”.

brg

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng điệu với những trăn trở trên: “Mình đã đi vào kinh tế thị trường hơn 30 năm rồi. Xuất phát điểm của Việt Nam so với bạn bè quốc tế còn khiêm tốn. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam trong 10 năm đầu tiên được xem là nước nghèo của thế giới với GDP rất khiêm tốn. Trong vòng hơn 20 năm tiếp theo, Việt Nam đi vào nền kinh tế thị trường và dĩ nhiên mình là một nước non trẻ, trong khi các nước ở xung quanh đã đi trước ít nhất 20 năm. Chính vì vậy mà chúng ta đi chậm hơn các nước khác. Thì đó là một trong những bất lợi của các tập đoàn tư nhân Việt Nam. 
Những doanh nghiệp Việt Nam đã có được những liên kết bền chặt, gắn bó với các tập đoàn lớn trên thế giới thì đó quả là điều rất tốt. Không ngừng tìm kiếm cơ hội quốc tế để trở nên tốt hơn, vĩ đại hơn trong khó khăn là điều không thể cưỡng lại”. 

Nhìn về tư duy “Go global” – Vươn ra thế giới, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng đây chính là câu chuyện khát vọng: 

“Không có khát vọng thì không thực hiện được. Khát vọng thực chất nó là một hoài bão. Mà đã có khát vọng và hoài bão thì sẽ thành công. 

Anh muốn khát vọng và hoài bão thì anh phải có ý chí. Anh có khát vọng, ước mơ lớn mà không có ý chí thì vô nghĩa. Thường thì những người có khát vọng thì đều có ý chí cả. Nếu chỉ có ý chí mà không có khát vọng thì cũng không trọn vẹn. Khát vọng ở đây phải nói về tầm nhìn, phải có năng lực thì mới là khát vọng thực sự.  

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu không có khát vọng thì không thể phát triển được. Đầu tiên con người phải có khát vọng. Trên cơ sở đó, ta có động lực để thúc đẩy tiến tới hành động hiệu quả. Với những doanh nghiệp đã có khát vọng, mà khát vọng lại đáp ứng được nhu cầu, xu hướng phát triển của thời đại thì chắc chắn sẽ thành công. Đây là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên đối với một doanh nghiệp. 

brg

Không có khát vọng thì không phát triển. Nhưng khát vọng đó có phát triển được hay không thì phụ thuộc vào chất xám, năng lực, tầm nhìn. 

Con người ta có 2 thứ vốn: Vốn vô hình và hữu hình. Hữu hình là tiền bạc, vật chất. Vô hình là chất xám, ý tưởng, phương án mà khi đưa ra cảm thấy phù hợp thì sẽ thu hút được vốn đầu tư. Khi anh đưa ra ý tưởng, anh thực thi một lý tưởng nào đó, nếu không có vốn hữu hình, chỉ có vốn vô hình thì anh hoàn toàn có khả năng tập hợp được những nguồn lực tài chính để tồn tại. 
Nên đòi hỏi 1 doanh nghiệp phải có hai điều đó. Trong 2 điều đó, quan trọng nhất là vốn vô hình. Anh phải có đầu óc, khí chất – vốn vô hình đó, thì anh mới có khát vọng và ý chí thực sự để thực hiện được vấn đề đó”.

...

Hoài bão - khát vọng - ý chí - quyết tâm mà PGS. TS. Ngô Trí Long chia sẻ làm tôi liên tưởng đến sự kiện huyền thoại về việc xây dựng Khách sạn Sheraton Đà Nẵng Resort chỉ mất 14 tháng thi công và câu chuyện “tháng 6 có 90 ngày” của tập đoàn BRG, trong cuộc chạy đua thần tốc phục vụ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. 

Việc được Ban Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 giao nhiệm vụ Khách sạn Sheraton Đà Nẵng Resort là nơi tổ chức Quốc yến, chiêu đãi các nguyên thủ và quan chức ngoại giao các nước châu Á - Thái Bình Dương, với BRG vào thời điểm đó là một thách thức quá lớn khi công cuộc chuẩn bị, hoàn tất xây dựng chỉ được phép diễn ra trong 1 tháng. 

Người ta thấy khẩu hiệu “Trái tim tôi hòa nhịp đập cùng APEC” được treo khắp công trường, nhưng phía sau đó thì ít ai biết rằng, người đứng đầu BRG – bà Nguyễn Thị Nga đứng ngồi không yên trước những yếu tố bất khả kháng mang tên thời tiết và nhiều ý kiến đánh cược công trình không thể về đích kịp tiến độ. Một bên là trách nhiệm quốc gia giao phó, không thể chối từ. 

Tháng 6 năm đó, bà Nga cùng hơn 20 nhà thầu với hàng nghìn công nhân đã thi công liên tục suốt ngày đêm. Cũng ít ai biết rằng, bà Nga trong khoảng thời gian này đã sinh hoạt chủ yếu trên máy bay khi dường như ngày nào cũng lên chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi lại đáp chuyến máy bay muộn nhất trong ngày về Hà Nội...

brg
brg
brg
brg
brg

Công trình Sheraton Đà Nẵng Resort hoàn thiện đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn 5+ sao của Tập đoàn Marriott, phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017, sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế trên thế giới.

Bằng một cách kỳ diệu có thể lý giải được, ngày 25/10/2017, tổ hợp dự án khách sạn Sheraton Đà Nẵng Resort đã kịp về đích phục vụ cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017, sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế trên thế giới. Công trình Sheraton Đà Nẵng Resort hoàn thiện đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn 5+ sao của Tập đoàn Marriott, vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra của nhiều đoàn tiền trạm nước ngoài, trong đó có phái đoàn Hoa Kỳ cực kỳ khắt khe. Để rồi sau đó một lễ Quốc yến đã mang lại cho tất cả các nguyên thủ, các quan chức ngoại giao cấp cao của các quốc gia một ấn tượng khó phai về đất nước và con người Việt Nam. 

Sheraton Đà Nẵng Resort trong lòng bạn bè quốc tế là vậy, với riêng BRG, nó đã trở thành một biểu tượng cho Hoài bão - khát vọng - ý chí - quyết tâm theo định nghĩa của PGS. TS. Ngô Trí Long. Họ lặng lẽ viết những câu chuyện tưởng chừng không thể, bằng trí óc của những người không ngừng ước mơ và dũng cảm có những giấc mơ lớn.

brg

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga khởi sự kinh doanh từ năm 1983, khi mới ngoài 20 tuổi. Lúc bấy giờ, đất nước còn trong thời kỳ bao cấp. Sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1993, bà Nga thành lập doanh nghiệp đầu tiên. Để rồi từ đó, một BRG dần lớn mạnh và thể hiện được tầm vóc của một tập đoàn hàng đầu Việt Nam ở cả ba lĩnh vực giá trị, đẳng cấp: Tài chính – ngân hàng, bất động sản và golf.

brg

Nhìn sâu hơn phía sau khát vọng của BRG, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, đó là minh chứng quan trọng thể hiện vai trò của các doanh nghiệp tư nhân:

“Trước kia với kinh tế tư nhân là kỳ thị, là bóc lột, không cho nó phát triển. Nhưng người ta cảm thấy đó là bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế, cùng với kinh nghiệm của thế giới là như vậy, thì bắt đầu ta thừa nhận. Khi thừa nhận thì nó hoạt động và phát huy thực sự vai trò và người ta dần rất coi trọng. Cho nên giờ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. 

Nó là quá trình như vậy. Từ chỗ nhận thức kỳ thị, đến chấp nhận phát triển, để rồi từ đó coi nó là động lực. Trên hết là thừa nhận những vai trò rất to lớn của nó và có cơ chế khuyến khích nó phát triển. 

Những lĩnh vực phát triển nhất của kinh tế Việt Nam thì phải thừa nhận là có vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Ta hiếm thấy có tên tuổi lớn nào của các doanh nghiệp Nhà nước, mà tư nhân luôn dẫn dầu. Các doanh nghiệp tư nhân đã góp phần nâng vị thế, bộ mặt, hình thái của Việt Nam lên, trên rất nhiều lĩnh vực”. 

Nghe vị chuyên gia chia sẻ đến đây, tôi nhớ lại hồi cuối năm 2019, tại Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, kinh tế tư nhân phải được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế.

Bà Nga đã suy nghĩ rất nhiều là có dám nói ra điều này không, nhưng rồi đã mạnh dạn đề xuất coi khu vực kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột của nền kinh tế, để gánh vác và góp sức mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi lẽ, theo bà, hiện nay ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đang chiếm 40% GDP, còn tại các nước phát triển tỷ lệ này chiếm đến 85%, trở thành nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế quốc gia. 

Do đó, bà mạnh dạn đề xuất cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho kinh tế tư nhân phát triển. Thậm chí, với những trường hợp nhất định, Chính phủ có thể tăng cường biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực trọng điểm, tạo nên ngành kinh tế mũi nhọn cạnh tranh với quốc tế.

Trong quan niệm của bà, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn hội tụ đủ ý chí, sự gắn kết, sức chịu đựng, tính kỷ luật để có được những vị trí danh dự trong sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế.

Đặc biệt, không chỉ rất tự tin và giàu khát vọng, nữ Chủ tịch Tập đoàn BRG còn quả cảm và không ngại va chạm khi kiến nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn độc quyền như: Đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không… Những lĩnh vực này dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có tham gia song sự hiện hữu vẫn chưa phổ biến.

"Thực tế là doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, thế mạnh, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho đất nước, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút FDI và tận dụng nguồn vốn tư nhân", bà Nga nói.

Với những thực tế như vậy, bà Nga cho rằng, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm. Hơn hết, Chính phủ cần đẩy mạnh đơn giản hóa tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, điều này cũng nhằm tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu.

brg
brg

Tập đoàn BRG đã cùng Sumitomo, một trong 3 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản động thổ Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với số vốn đầu tư dự kiến 4,2 tỷ USD, được kỳ vọng là nơi hội tụ tinh hoa của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thật ngạc nhiên khi bàn luận về điều này, một vị chuyên gia nổi tiếng trong Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, mong muốn làm điều đó, không phải là nhu cầu thể hiện mình, càng không phải việc chinh phục những con số lợi nhuận về kinh tế, mà đó là trách nhiệm của một doanh nhân dân tộc với đất nước. Đó là mong ước Việt Nam có được những thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Đằng sau đó, là mong muốn được trải nghiệm cảm giác hạnh phúc, khi ngọn lửa của tinh thần cống hiến, phụng sự xã hội được lan toả và dẫn dắt, tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng. 

Điều này có lẽ đã trở thành cảm hứng sống cho doanh nhân Nguyễn Thị Nga. Bà đã từng dẫn đúc kết nổi tiếng của Jack Welch, nhà lãnh đạo kinh doanh nổi tiếng trên thế giới được Tạp chí Fortune gọi là "nhà quản lý của thế kỷ 20", người đứng sau thành công của Tập đoàn General Electric để truyền lửa cho nhân viên của mình: Không doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, có thể mãi gặt hái thắng lợi nếu không có nhân viên nhiệt huyết, vững tin vào sứ mệnh và hiểu rõ làm thế nào để hoàn tất nó.

Đó là ngọn lửa dấn thân. Đó là ngọn lửa nhiệt huyết, để thực hiện sứ mệnh BRG đang theo đuổi: Cống hiến hết mình để mang tới sản phẩm, dịch vụ giúp nâng tầm tiêu chuẩn sống cho cộng đồng.

Đó là một hành trình khơi dậy tiềm năng của con người. Đó chắc chắn là một cuộc cách mạng không dễ dàng nhưng đầy thú vị, dựa trên sự tự nguyện, tự chủ và tự trọng.

brg

brg

Tôi tiếp tục câu chuyện của mình với PGS. TS. Ngô Trí Long bằng băn khoăn để lý giải những năng lực, năng lượng bên trong của nữ doanh nhân dẫn dắt một tập đoàn đa ngành hùng hậu và đã, đang trên hành trình tạo ra được “thương hiệu Việt Nam” trong lòng bạn bè quốc tế như bà Nguyễn Thị Nga…

PGS. TS. Ngô Trí Long: Nói đến chị Nga thì ai cũng đều biết cả, chị ấy cũng là một “bà Trưng – bà Triệu” đấy, phải không? (cười). Một người phụ nữ dám dấn thân, có khát vọng và thực tế bằng những hoạt động của họ, đã thể hiện được kết quả ấn tượng. Mình phải thừa nhận điều đó. 

Chị Nga bước đầu đã tạo được uy tín và thương hiệu của mình. Các hoạt động của chị và BRG làm với một tinh thần đầy trách nhiệm. Trong bước đường phát triển của chị Nga không phải đơn giản, nó còn nhiều gập ghềnh và cạnh tranh khốc liệt. Không những cạnh tranh nội địa mà trong thời kỳ hội nhập còn là sự cạnh tranh với quốc tế. Bước đầu như vậy là đáng ghi nhận. Cơ chế hiện nay là tài phiệt chứ không phải quân phiệt. Ai tài tính giỏi thì sẽ thành công. Chị Nga và BRG là như vậy. 

Phải thừa nhận chị ấy là một con người có khát vọng, tiềm năng, năng lực. Chuyện đó có còn tiếp tục phát triển nữa, phụ thuộc vào năng lực, sự phát triển và hoạt động của chị ấy. Nếu nhận định những doanh nhân như vậy chỉ có khát vọng, bản lĩnh, trách nhiệm là chưa đủ, mà họ còn có ý chí và quyết tâm.

- Trong suốt quá trình xây dựng BRG, bà Nguyễn Thị Nga luôn mang trong mình một “giấc mơ về sự lên ngôi của Việt Nam với ngành công nghiệp không khói”. Chúng ta cũng nhìn nhận được rằng, theo kết quả thống kê từ Tổng cục Du lịch thì thời gian lưu trú của khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chỉ khoảng 2 ngày. Họ không có nhiều hoạt động để tiêu tiền nên tỉ lệ du khách quay trở lại không cao. Vì vậy mà một trong những chiến lược nâng tầm thương hiệu Việt mà BRG lựa chọn là cung cấp các sản phẩm dịch vụ 5+ sao như sân golf, khách sạn… để giữ chân khách du lịch. Nhưng trên hết, điều cốt lõi là giúp cho người dân Việt Nam được tiếp cận và sử dụng những dịch vụ 5 sao này. Ông nghĩ sao về điều đó?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Trách nhiệm lớn nhất ở đây là trách nhiệm với cộng đồng, bao giờ cũng nghĩ và đặt trách nhiệm với cộng đồng lên số một. 

Trong một đất nước ở trình độ phát triển thấp thì có những giai tầng phát triển khác nhau. Có những anh có thu nhập thấp, thu nhập cao khác nhau, hưởng thụ khác nhau. Mà xã hội theo một quy luật vận hành là ngày càng phát triển. Trước mắt, những giai tầng thu nhập thấp rất nhiều mà thu nhập cao thì ít. Ai cũng có khát vọng và trách nhiệm nhưng mỗi người một phân khúc riêng. Chị Nga và BRG thiên hướng là phục vụ cho giới quý tộc, cho những trải nghiệm dịch vụ cao cấp. 

brg
brg
brg
brg
brg

Khát vọng của BRG là mang đến những trải nghiệm dịch vụ 5+ sao. Tập đoàn này tiên phong trong việc phát triển golf và du lịch golf với 7 sân golf 18 hố đẳng cấp thi đấu quốc tế, là đối tác độc quyền tại Việt Nam với Tập đoàn Nicklaus Design huyền thoại của Mỹ và Greg Norman của Australia.

- Điều này có mâu thuẫn với những khát vọng hướng đến cộng đồng không thưa tiến sĩ, khi mà số lượng những “người có tiền” ở Việt Nam còn ít? 

PGS. TS. Ngô Trí Long dường như đã có sẵn câu trả lời trong mình, ông bật cười trước câu hỏi này của tôi và chia sẻ tiếp: Chị Nga đã đón trước được xu hướng và nhu cầu đấy khi nhìn về tương lai của một xã hội ngày càng phát triển. Tất nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đi hướng đó đòi hỏi sự mạo hiểm và dũng cảm vì chỉ phục vụ cho một số giai tầng.

Quốc tế có một hệ số là Gini - phản ánh sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, một đất nước mà chỉ số này lớn là nước đó còn đang trong giai đoạn chậm phát triển. Một đất nước văn minh là chỉ số của người có thu nhập cao và thu nhập trung bình nó sát gần nhau. 

brg

Nếu nói về nguyên lý cách tính, hệ số phản ảnh một quốc gia văn minh thì ở Việt Nam hiện tại, hướng đi như chị Nga – nhắm đến nhóm người có thu nhập cao, dường như là mạo hiểm, vì tỷ lệ này chiếm số ít. Mà những định kiến xã hội nghèo thì người ta khinh, giàu thì người ta ghét, nên hướng đi này thường sẽ nhận phải nhiều dị nghị. 

brg

Nhưng mấu chốt cần thấy ở đây trong tầm nhìn của người phụ nữ này và cần nhấn mạnh là chị Nga muốn hướng tới một xã hội sẽ phát triển. Chị ấy nhìn về một xu hướng trong tương lai. Hiện tại ở đất nước của chúng ta có rất nhiều người làm ăn chân chính, chính đáng, người ta đã tạo được một nguồn thu chính đáng và Nhà nước khuyến khích, thì những đối tượng này cũng cần được thụ hưởng. Chị Nga tìm đối tượng ấy để thực hiện khát vọng của mình. Đây là một xu thế tất yếu của tương lai và chị Nga, BRG đã đi trước.  

Những người có thu nhập cao, giới quý tộc này là họ có thu nhập chính đáng chứ không phải quý tộc dựa trên tham nhũng. Hiện nay, ở nước ta đang quyết liệt trị căn bệnh tham nhũng...

- Không phải “trọng phú khinh bần”, liệu xu hướng BRG đang đi có thực sự thuyết phục, thưa tiến sĩ? 

PGS. TS. Ngô Trí Long: Sự thành công nằm ở việc cho người dùng trải nghiệm, từ thấp đến cao. Từ những thứ mà người ta không nghĩ tới. Đáng lý người ta phải được hưởng nhưng người ta chưa biết, nó tạo ra một nhu cầu mới cho trải nghiệm tiêu dùng. Cho nên tại sao nó thu hút người ta là như vậy. 
Trong khuôn viên bất động sản, chất lượng dịch vụ tốt mà chưa bao giờ người ta nghĩ đến, tức là đã tạo ra cho họ một hướng nhìn về nhu cầu chất lượng cao. Trong xu hướng điều kiện mở, không chỉ tiêu dùng trong nước mà cả nước ngoài. Đời sống người Việt ngày càng nâng cao, cuộc sống không thể ì ạch như thế này mãi. Cho nên, trong bối cảnh đó thì nhu cầu của con người cũng phát triển. 

Trải nghiệm đáp ứng được nhu cầu cao thì đây là động lực lớn, kích thích tiêu dùng. Đây là xu thế tất yếu. Khuyến khích, hướng dẫn người tiêu dùng đến trải nghiệm. Cuộc sống hưởng thụ những thứ tốt hơn, nâng cao hơn, thì người ta sẽ ủng hộ và tham gia. Trong xã hội hiện nay, những người có thu nhập cao, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày một nhiều, những người đó cũng có nhu cầu cần được hưởng dịch vụ phù hợp với thu nhập và mức chi trả của họ chứ. Nếu đưa những dịch vụ có chất lượng cao như vậy thì chắc chắn là tạo đà và điều kiện để phát triển. 

- Đây có phải là câu chuyện định hướng người tiêu dùng không, thưa ông? 

PGS. TS. Ngô Trí Long: Nó không hẳn là định hướng mà chính xác hơn là dẫn dắt người tiêu dùng. Nói là định hướng cũng đúng, nhưng chưa chuẩn. Dẫn dắt là ta thấy họ chưa biết nên đưa họ vào đó. Chứ định hướng mà không cho họ trải nghiệm thì không ai biết. 

Có một câu chuyện kinh điển trong giới kinh doanh là: Ở một vùng châu Phi toàn những gai góc sỏi đá, dân không bao giờ đi dép, thế thì họ dẫn dắt người tiêu dùng như thế nào? Đầu tiên họ tạo ra những đôi dép, cho không người dân... Khi người dân hình thành thói quen thì họ bắt đầu bán. Lúc đó, đôi dép là nhu cầu bức thiết, không có không được nên người dân mua. Câu chuyện dẫn dắt nó nằm ở chỗ như vậy. 

Thú thực, nhiều ông nhà giàu nhưng đâu biết chơi sang, thì BRG tạo cho người ta sân chơi. Đó là điều cần khuyến khích. 

brg

brg

- Trong một chia sẻ, bà Nguyễn Thị Nga nói rằng: “Khát vọng và sứ mệnh của những doanh nghiệp như chúng tôi là đóng góp cùng Chính phủ để xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh được với quốc tế, trở thành thế mạnh của quốc gia. Chúng tôi nhận lên vai mình trách nhiệm này”. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này? 

PGS. TS. Ngô Trí Long: Hai từ “trách nhiệm” ấy là việc tạo niềm tin cho Chính phủ. Anh nào làm thì vấn đề quan trọng đầu tiên là phải có trách nhiệm. Trách nhiệm là điều cốt lõi tạo nên niềm tin cho đối tác, cho một chính thể, một nhà nước. Làm trên cơ sở có trách nhiệm thì việc làm đó mới thực chất, có tâm, hiệu quả và ý nghĩa. 

Trách nhiệm nằm ở khát vọng đi kèm với quyết tâm. Tôi cứ mơ, hy vọng và hoài bão nhưng tôi không có năng lực, không có ý chí, không quyết tâm thì không bao giờ làm được điều gì. Đó là trách nhiệm thứ nhất về bên trong.

Thứ hai là điều kiện ở bên ngoài nữa, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải có cơ chế chính sách đúng đắn để làm sao khuyến khích khát vọng chính đáng của họ trở thành hiện thực. Người ta thường dùng hình ảnh là “anh không cho tôi cá mà anh cho tôi cần câu” hay “anh muốn cho tôi bẩy được trái đất thì hãy cho tôi một điểm tựa”. Anh cho tôi một cơ chế, một chính sách - đó là cái quan trọng. Nhà nước phải tạo ra được một cơ chế chính sách cổ vũ những khát vọng chính đáng của các doanh nhân, doanh nghiệp. Trách nhiệm được tạo ra từ cả môi trường bên trong và bên ngoài. Theo tôi là như vậy. 

brg

- Nâng tầm thương hiệu quốc gia hay nâng cao những trải nghiệm của người dùng, suy cho cùng lại có mối liên kết sâu sắc với văn hóa, tiến sĩ có nghĩ vậy không? 

TS. Ngô Trí Long: Văn hóa là một thứ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với người tiêu dùng. Văn hóa là yêu cầu đầu tiên khi một người khởi nghiệp. Nếu anh làm cái đó mà không gắn với văn hóa thì không thể tồn tại và phát triển được.

Không cần đợi đến khi đất nước phải trở thành một nước phát triển thì người dân mới được thụ hưởng những thứ của các nước phát triển, mà ngay trong điều kiện một nước trung bình, tôi và chúng ta – bằng niềm tin, khát vọng và sự quyết tâm của mình đã có thể có những sản phẩm cho người dân được tiếp cận, sử dụng, hưởng thụ những dịch vụ cao cấp hơn, từ đó nâng cao ý thức của người dân và thương hiệu quốc gia. 

Suy cho cùng, sau tất cả, nó liên quan sâu sắc đến yếu tố văn hóa của con người. Lúc đầu người ta xây dựng dựa trên thương hiệu của một hàng hóa cụ thể. Nhưng khi đã đạt đến một tầm nào đó thì nó thể hiện văn hóa của dân tộc. Để cho người dân thụ hưởng dịch vụ, sản phẩm cao cấp, bản chất cũng là để nâng tầm cuộc sống của người Việt. 

Như sự khác biệt giữa việc ta mặc một bộ quần áo bình thường và áo dài... Khi mặc trên mình bộ áo dài sang trọng, tâm thế của ta phải khác chứ, đúng không? Vậy thì khi người Việt được sống trong một môi trường văn minh hiện đại thì tự nhiên họ cũng sẽ tự khắc nâng họ lên. 
Để người Việt không chịu hèn kém mãi với các nước, suy cho cùng đó là những khía cạnh xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia lên, chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất hàng hóa. Giá trị của quốc gia đó là uy tín của quốc gia. 

brg

Nhận định của PGS. TS. Ngô Trí Long khiến tôi xâu chuỗi lại tất cả những suy nghĩ và thắc mắc rời rạc trong mình. Việc một tập đoàn đa ngành như BRG đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực, dấn thân vào rất nhiều con đường, tưởng chừng những thứ đó không có mối dây liên kết nào, thì hóa ra lại được liên kết chặt chẽ bởi một lòng tự tôn dân tộc, bởi “khát vọng cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho quê hương, đất nước” mà bà Nga đã chia sẻ trong rất nhiều diễn đàn cũng như thông qua chính việc làm của bà và BRG suốt 3 thập kỷ qua. Bà cũng được đánh giá là người phụ nữ mạnh mẽ, can trường, không ngừng đóng góp, bày tỏ quan điểm để thúc đẩy một môi trường kinh doanh chuyên nghiệp và hiệu quả. 

Tôi bất giác nhớ đến chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu rằng: 

“Trên thế giới có một chỉ số là xếp hạng tín nhiệm Quốc gia. Hiện tại với ba công ty quốc tế uy tín xếp hạng chỉ số này thì mức tín nhiệm của Việt Nam vẫn ở trong nhóm “Không đầu tư”. Mình còn hai cấp nữa thì mới lên được nhóm “Nên đầu tư”. Việt Nam phải đi vào nhóm đó với tư cách một quốc gia. Với các nhà đầu tư nước ngoài, thì xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Thứ đầu tiên họ tìm kiếm để quyết định đầu tư là xếp hạng tín nhiệm này. 

Rất mừng khi các doanh nhân của Việt Nam có trách nhiệm với quốc gia như thế. Khi mà họ nghĩ rằng họ phải đóng góp để nâng tín nhiệm quốc gia qua thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để các thành phần kinh tế góp phần đưa Việt Nam vào sân chơi lớn của thế giới. Doanh nhân nào ý thức được như thế thì họ sẽ có hành động, có những ứng xử và phương pháp phù hợp để nâng tầm doanh nghiệp, rồi từ đó nâng tầm quốc gia”.

Nói đến đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu có phần ngập ngừng và chia sẻ tiếp: 

“Tham dự nhiều hội thảo ở Việt Nam trong hơn chục năm qua, tôi nhận thấy rằng, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn còn khiêm nhường, khiêm tốn trong việc thể hiện mình và nói lên tiếng nói của mình, đâu đó vẫn còn bóng dáng của những thành phần kinh tế “theo chân” chứ chưa thật sự có sự chủ động. Đây là điều liên quan đến vấn đề xã hội, tức là các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn và chính họ phải có can đảm với tiếng nói của họ để thay đổi được môi trường kinh doanh. Và thực tế là, tiếng nói của họ ngày càng được Chính phủ quan tâm, Chính phủ đã luôn lắng nghe trong nhiều năm vừa qua. Điều đó cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa”.

* * *

Một điều bất ngờ thú vị là trong cuộc nói chuyện của tôi với cả hai vị chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, TS. Ngô Trí Long và TS. Nguyễn Trí Hiếu đều nhấn mạnh và bày tỏ sự trân trọng về vai trò của các nữ doanh nhân: 

“Văn hoá Á Đông giới hạn sự dấn thân, sự tham gia của phụ nữ vào công tác chính trị - xã hội và công tác điều hành của các doanh nghiệp. Những trường hợp nữ lãnh đạo như chị Nguyễn Thị Nga còn hiếm. Chính vì thế, đây cũng là câu chuyện cần xã hội quan tâm, nâng vai trò của người phụ nữ trong tất cả mọi phương diện. Bởi nó cũng là một xu hướng chung của thế giới. Người phụ nữ họ có đặc điểm mà nam giới không có được. Nữ giới lãnh đạo cũng hiệu quả không thua kém nam giới và họ quan tâm nhiều đến vấn đề xã hội, công ăn việc làm cho giới lao động, nữ quyền, quyền lợi của người trẻ và sức khoẻ… - Những sự hiểu biết về gia đình, nhân văn và xã hội vượt trội hơn nam giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích. 

brg
Madame Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG là doanh nhân Việt Nam duy nhất được tôn vinh Đại sứ Thương mại toàn cầu 2020. Đây là giải thưởng thường niên của Tổ chức Phụ nữ Thương mại Hoa Kỳ nhằm tôn vinh những nỗ lực và cống hiến của các doanh nhân tiêu biểu trên toàn thế giới trong việc kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại toàn cầu. 

Đồng điệu với quan điểm này, TS. Ngô Trí Long nói thêm: “Sự trách nhiệm, khát vọng, ý chí và quyết tâm thì doanh nhân nào cũng phải có. Trên thương trường thì nam nữ bình đẳng nhưng người phụ nữ do điều kiện hoàn cảnh về gia đình, phải thực hiện thiên chức làm mẹ nên nỗ lực của họ phải lớn gấp nhiều lần. Họ đã làm được những gì thì ta phải ghi nhận”. 

* * *

“Một đất nước không có những doanh nhân thành đạt thì đất nước đó không thể phát triển được. Đó là những hạt nhân, tế bào, con người rất quan trọng để làm động lực thúc đẩy xã hội đi lên”. 

Câu nói đó của PGS. TS. Ngô Trí Long cứ vang mãi trong đầu tôi trên đoạn đường về nhà. Thong dong trên con phố Tây Sơn, trước mắt tôi là siêu thị Fuji Mart thứ 3 của Tập đoàn BRG vừa được khai trương vào tháng trước. Tập đoàn này đã liên doanh với Sumitomo Corporation (Nhật Bản) để mang đến những trải nghiệm dịch vụ cao cấp, với hơn 10.000 mã hàng chất lượng trong tiêu dùng, cùng tiêu chí “Fresh Everyday - Tươi ngon mỗi ngày” cho người Việt. Ngành bán lẻ Việt Nam có thêm cái tên Fuji Mart là một màu sắc mới mẻ. Việc BRG đạt được liên kết bền vững trên nhiều lĩnh vực với một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản này, không phải là chuyện đương nhiên và dễ dàng, khi những tiêu chuẩn của người Nhật vốn nổi tiếng khắt khe, thận trọng... 

brg
brg
brg
Madame Nguyễn Thị Nga và danh dự trên bản đồ thương hiệu toàn cầu- Ảnh 48.

Trải nghiệm đáp ứng được nhu cầu cao là động lực lớn kích thích tiêu dùng. Đây là xu thế tất yếu khuyến khích, hướng dẫn người tiêu dùng đến với những trải nghiệm cuộc sống với sự hưởng thụ những thứ tốt hơn.

Người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt - Madame Nguyễn Thị Nga đã tự đặt lên vai mình và những đồng đội về trách nhiệm, sứ mệnh không ngừng nâng cao trải nghiệm sống cho người Việt. Bà đã thật dũng cảm đi trên hành trình “Go global” theo cách của riêng mình - chông gai thật đấy, có phần cô đơn ít nhiều thật đấy ở thời hiện tại, trên hết, bằng một lòng tự tôn và tự hào dân tộc, bà đã luôn “khát vọng bằng cả trí óc và trái tim”, thực tế đã đưa hình ảnh của Việt Nam sâu đậm hơn, rộng mở hơn theo một cách thực sự có tâm, có tầm trong mắt bạn bè quốc tế./.

brg

25/6/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top