Aa

Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần phải tháo những "chốt chặn" nào trước giờ "G"?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 29/03/2024 - 06:00

Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành từ ngày 1/7/2024, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch. Đây là tin vui cho thị trường bất động sản khi những khó khăn sẽ nhanh chóng được tháo gỡ. Song để Luật thực sự có hiệu quả đòi hỏi các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng phải khẩn trương, chi tiết và đồng bộ với luật.

Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản hoả tốc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai và thông tư. Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật này có hiệu lực từ 1/7/2024, thay vì 1/1/2025 như được thông qua tại kỳ họp hồi đầu năm.

Dự thảo tờ trình Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm hơn nửa năm cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ trước ngày 31/3.

Trước đó, tại Hội nghị đầu tháng 3/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng từng nói, ông kỳ vọng hoàn thành sớm các nghị định hướng dẫn để đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực ngay tháng 7/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo của 6 nghị định, 5 thông tư; Bộ Tài chính: 2 nghị định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 nghị định; Bộ Nội vụ: 01 thông tư…

Việc Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành sớm hơn nửa năm so với dự kiến trước đó là 1/1/2025 được cho là tin vui với thị trường bất động sản. Reatimes ghi nhận một số quan điểm từ chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp.

ÁP DỤNG LUẬT ĐẤT ĐAI SỚM – GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP VÀ THỊ TRƯỜNG

Theo đó, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho hay, thời gian từ khi thông qua luật: Ngày  18/1/2024 đến 1/7/2024 là khoảng thời gian đủ để người dân cũng như doanh nghiệp nắm được nội dung cơ bản của luật.

Thời gian này cũng đủ để Bộ ban ngành soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn luật.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, cũng như việc cấp bách trong khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản thì việc Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm tiếp đó cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực là điều cần thiết, tin vui cho doanh nghiệp và thị trường để tháo gỡ những rào cản thủ tục.

Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần phải tháo những "chốt chặn" nào trước giờ "G"?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6

"Ở góc độ doanh nghiệp, tôi rất mong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm. Bởi doanh nghiệp chúng tôi cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục đầu tư do các quy định từ bộ luật cũ vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn.

Các hướng dẫn từ thông tư cũng chưa được chi tiết, cụ thể dẫn đến việc nhiều tỉnh, thành phố lúng túng, khó khăn trong việc phê duyệt thủ tục đầu tư. Việc Luật Đất đai áp dụng sớm thì các thủ tục đầu tư cũng sẽ được phê duyệt sớm hơn, giúp cho doanh nghiệp bán hàng sớm, thu được dòng tiền, đồng thời giúp thị trường bất động sản gia tăng nguồn cung nhà ở. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, giá nhà sẽ hạ nhiệt", ông Quê kỳ vọng.

Còn khoảng 3 tháng để chuẩn bị cho việc Luật Đất đai có thể được triển khai sớm, do đó lúc này các Bộ ngành có lẽ đang triển khai sớm, đẩy nhanh soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Theo đó, ông Quê kiến nghị ban soạn thảo văn bản cần nhanh chóng kịp thời ra các văn bản hướng dẫn để khi Luật có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn này cũng có hiệu lực luôn. Đặc biệt cần thận trọng trong việc soạn thảo văn bản hướng dẫn, tránh trường hợp, nghị định, thông tư trái luật, không rõ ràng, hướng dẫn không đầy đủ, gây vướng mắc đến các hoạt động thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, người dân và rộng hơn là thị trường bất động sản.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội bày tỏ việc Luật Đất đai sớm được thi hành sẽ tạo điều kiện rất tốt cho chính quyền các địa phương giải quyết các công việc đang tồn đọng do vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời cũng tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án dở dang, vướng mắc cơ chế chính sách được tiếp tục triển khai.

Đây là hành động rất quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục.

Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần phải tháo những "chốt chặn" nào trước giờ "G"?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.

"Tháo gỡ được cơ chế chính sách thì đương nhiên là tin vui cho thị trường, cho doanh nghiệp", ông Điệp nói.

Ông cũng cho rằng, đây là giai đoạn vàng để thị trường bất động sản tăng tốc hồi phục và phát triển khi cơ chế chính sách đồng bộ với các nguồn lực vừa tháo gỡ, vừa cởi mở, vừa tạo nguồn lực cho doanh nghiệp có động lực phát triển.

Ông Điệp bổ sung thêm, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật khi được đưa ra cũng cần phải có sự tham khảo đóng góp ý kiến của đại biểu quốc hội, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để các văn bản có thể đồng bộ với luật và có tính thực tiễn tốt hơn.

"Thị trường bất động sản có phát triển tốt hay không là do cơ chế chính sách gắn với thực tiễn, càng xa thực tiễn càng hỏng. Trong khoảng thời gian này, nghị định nào cần tham khảo toàn dân thì bộ ngành nên đưa ra sớm", ông Điệp bổ sung.

LUẬT THI HÀNH SỚM LÀ TỐT NHƯNG CHẤT LƯỢNG NGHỊ ĐỊNH LÀ ĐIỀU CẦN QUAN TÂM

Dưới góc nhìn luật, luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chuyên gia pháp lý bất động sản cho hay, theo như dự kiến ban đầu, 3 bộ luật mới gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đều sẽ đồng bộ có hiệu lực vào 1/7/2024. Tuy nhiên, do Luật Đất đai chưa thể thông qua vào cuối năm 2023 mà đến kỳ họp bất thường đầu năm 2024 mới được thông qua. Do đó, 3 luật này được chuyển đến ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực.

Theo LS. Tuấn, về cơ bản 3 bộ luật này đều có những quy định mới tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản nói chung và đất đai nói riêng. Những quy định mới đều có tác động tốt đến chủ đầu tư, bởi những khó khăn vướng mắc trước đó sẽ được tháo gỡ, thậm chí với người dân, những chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cũng đa dạng hơn.

Luật Đất đai có thể có hiệu lực từ 1/7/2024: Cần phải tháo những "chốt chặn" nào trước giờ "G"?- Ảnh 3.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chuyên gia pháp lý bất động sản.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ riêng Luật Đất đai có hiệu lực vào 1/7/2024 là chưa đủ, mà cần phải đồng bộ cả 3 luật. Giống như kiềng ba chân, nếu chỉ riêng Luật Đất đai được thi hành sớm thì mới chỉ có một chân chắc, hai chân chưa chắc. Bởi, rất nhiều trình tự thủ tục đầu tư dự án phải được tháo gỡ, chứ không riêng gì vấn đề đất đai",

Ví dụ, liên quan đến phát triển nhà ở xã hội có rất nhiều quy định mới do Luật Nhà ở quy định, trong khi Luật Đất đai không có nhiều quy định đến phân khúc này. Nhất là quy định tốt cho thị trường như tránh đầu cơ, phân lô bán nền… được quy định trong Luật Nhà ở chứ không phải Luật Đất đai.

Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng, để pháp lý cho thị trường bất động sản đồng bộ thì phải có sự đồng bộ về hiệu lực thi hành cho cả 3 luật chứ không riêng Luật Đất đai.

"Điều kiện đủ để phát triển được thị trường bất động sản là phải có các Nghị định, thông tư hướng dẫn. Theo quyết định 222 của của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, Thủ tướng phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai. Trong khi thời gian từ nay đến 1/7 là còn 3 tháng nhưng một số Bộ ngành vẫn chưa đưa ra được Nghị định hướng dẫn. Như vậy, Luật có hiệu lực sớm là tốt nhưng quan trọng là các Bộ ngành phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những dự thảo Nghị định và sớm ban hành dự thảo Nghị định để có hiệu lực đồng bộ với thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực.

Tuy nhiên, lúc này sẽ đặt ra một vấn đề là chất lượng Nghị định. Bởi chỉ còn một thời gian ngắn nữa để các ban soạn thảo tổ chức hội nghị, hội thảo để hoàn thiện các dự thảo. Với một thời gian và khối lượng công việc lớn thì sợ rằng rất khó để đảm bảo chất lượng của các Nghị định. Nếu Luật có hiệu lực rồi nhưng nghị định chưa quy định một cách chi tiết thì thị trường sẽ đợi thông tư. Như vậy, hiệu quả của Luật Đất đai sẽ chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân, và thị trường", LS. Tuấn nêu băn khoăn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top