Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản

Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 22/02/2024 - 06:00

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Trao đổi với Reatimes, ông Trần Văn Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, ngoài những khó khăn chung của cả nước liên quan đến các vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng..., Khánh Hoà còn gặp phải khó khăn đặc thù trong quá trình xử lý, khắc phục các sai phạm, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư ngoài ngân sách sau thanh tra, kiểm tra.

“Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp khắc phục sai phạm liên quan đến các dự án theo Thông báo số 680-TB/UBKTTW, ngày 30/8/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các kết luận của Thanh tra Chính phủ; xử lý đối với các dự án chậm tiến độ tại Thông báo số 255-TB/TU, Thông báo số 256-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, ông Châu chia sẻ.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có nhiều chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên tinh thần Nghị Quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất, xác định giá đất, bồi thường giải tỏa, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng về kết quả triển khai Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã tập trung rà soát việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản; từ đó tháo gỡ vướng mắc, khắc phục các thiếu sót để các dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai hoặc thu hồi dự án không đủ điều kiện. Tháng 6/2023, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản- Ảnh 1.
Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản- Ảnh 2.
Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản- Ảnh 3.
Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản- Ảnh 4.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 8 hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các huyện, thị xã, thành phố để làm căn cứ quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời, tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt để điều chỉnh theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giao cơ quan quản lý nhà nước về đất đai rà soát hồ sơ liên quan đến trình tự, thủ tục giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với việc thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, UBND tỉnh dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ hoàn thành khoảng 4.900 căn nhà ở xã hội, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề án đề ra. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giới thiệu, chấp thuận địa điểm khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn với diện tích 4,6ha tại Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Khánh Hòa, thị trường bất động sản của địa phương đang ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.

Sự khởi sắc được nhìn thấy rõ nhất từ sự gia tăng của lượng giao dịch bất động sản qua các quý. Cụ thể, trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 3.878 giao dịch bất động sản với tổng giá trị gần 1.613 tỷ đồng. Bước sang quý II/2023 con số này đã tăng lên 6.216 giao dịch với tổng giá trị gần 2.897 tỷ đồng. Đến quý III/2023, toàn tỉnh ghi nhận 4.796 giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng gần 3.364 tỷ đồng. Trong số 4.796 giao dịch nói trên có 3.665 lô đất nền, 3.665 căn nhà ở riêng lẻ và 188 căn chung cư.

Khánh Hoà - Khơi thông các dự án bất động sản- Ảnh 5.

Một góc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang triển khai 6 dự án nhà ở thương mại với quy mô 1.128 căn chung cư và 4.081 căn nhà ở riêng lẻ. Các dự án nhà ở thương mại đang triển khai nói trên gồm, dự án nhà ở liên kế khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise; gói 8 (giai đoạn 1) thuộc Khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang; khu căn hộ và dịch vụ Phước Long, 16 Phước Long, thành phố Nha Trang; chung cư CCU-01, khu đô thị mới Phước Long, thành phố Nha Trang; chung cư CT-01, khu đô thị mới VCN Phước Long; chung cư CT-02, khu đô thị mới VCN Phước Long.

Những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản Khánh Hòa không chỉ thể hiện ở phân khúc nhà ở, mà còn được khắc họa rõ nét với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Việc Khánh Hòa triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đã kích thích sự phục hồi trở lại của phân khúc này sau một thời gian dài “đóng băng”. Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai 26 dự án du lịch, nghỉ dưỡng với 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 căn biệt thự du lịch..

Đến năm 2030, Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Để đạt được những mục tiêu nói trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó có việc rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn. Sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch cũng là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh Khánh Hòa sôi động trở lại trong thời gian tới.

 Theo ông Trần Văn Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, Khánh Hòa có vị trí là tỉnh ven biển, với bờ biển dài 385km, có 3 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới và mang tầm chiến lược trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh (Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh). Nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước như đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, thời gian qua, tỉnh Khánh Hoà cũng luôn quan tâm đến việc đầu tư các cơ sở hạ tầng mang tính chất kết nối tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư, trong đó đã đưa vào khai thác, vận hành tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và thời gian tới là tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Tỉnh cũng đã khánh thành tuyến đường giao thông quan trọng Quốc lộ 1 đi Đầm Môn kết nối với Khu kinh tế Vân Phong và khởi công tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối Đông – Tây với Khu kinh tế Vân Phong.

Bên cạnh đó, Khánh Hoà có các cảng biển nước sâu dễ dàng tiếp cận với tuyến giao thương sôi động nhất thế giới qua biển Đông như Cảng Quốc tế Cam Ranh - 110.000DWT; Cảng Tổng hợp Bắc Vân Phong - 50.000 DWT; Cảng Tổng hợp Nam Vân Phong - 70.000 DWT và Cảng Du lịch Nha Trang - 30.000 DWT; sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thông đường hàng không quan trọng cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ngoài ra, Khánh Hòa còn có khí hậu ôn hòa, là địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.181 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 55.000 phòng, trong đó tổng số cơ sở hạng từ 3 – 5 sao có khoảng 25.000 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh, dưới sự điều hành của những tập đoàn quốc tế quản trị, kinh doanh khách sạn lớn và nổi tiếng như: Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup, Six Senses, Ana Mandara thuộc Tập đoàn Sovico, Sheraton, Novotel, Tập đoàn Accor, InterContinental, Tập đoàn Best Western, Melia...

“Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo cho Khánh Hòa tiềm năng rất lớn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước đến với Khánh Hòa nghỉ dưỡng, sinh sống, làm việc, đầu tư và kinh doanh”, ông Trần Văn Châu chia sẻ.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện phủ kín quy hoạch phân khu đối với khu vực Khu kinh tế Vân Phong. Đồng thời tỉnh cũng thực hiện những đồ án quy hoạch mới như Đô thị mới Cam Lâm, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang và các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở để kêu gọi đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị,...

Cùng với đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và kết nối. Tích cực phối hợp với Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh; tập trung bố trí vốn để đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm của tỉnh; khẩn trương đẩy nhanh hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mang tính chất liên vùng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển.

Đồng thời, tỉnh thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những yếu tố trên chính là động lực để thị trường bất động sản Khánh Hòa thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho sự phục hồi và tăng trưởng trong một chu kỳ phát triển mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top