Ẩn số Kosy Group

Ẩn số Kosy Group

Thứ Hai, 22/04/2024 - 06:00

Từng được đánh giá là một trong những nhà phát triển bất động sản và năng lượng tái tạo có vị thế tại Việt Nam nhưng Kosy Group dần đánh mất phong độ khi kết quả kinh doanh bết bát. Điều lạ là trong khi lợi nhuận "chạm đáy" thì cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn "bay cao" trên sàn chứng khoán. Phải chăng đang có ẩn số gì phía sau những con số được công khai?

LỢI NHUẬN "TEO NHỎ"

Được thành lập vào 10/3/2008, Công ty Cổ phần Kosy (Kosy Group, mã: KOS) đã xây dựng được thương hiệu và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực phát triển đô thị và năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các dự án bất động sản, thủy điện, điện gió của Kosy Group triển khai có quy mô ngày càng lớn. Tháng 7/2019, Kosy Group được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE với giá trị vốn hóa thị trường hơn 4.000 tỷ đồng.

Vào năm 2018, tổng doanh thu của Kosy Group đạt trên 900 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 45 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,7 lần so với con số thực hiện của năm 2017. Tự tin với đà tăng trưởng hết sức khả quan, ban lãnh đạo Kosy Group đặt mục tiêu trong năm 2019, doanh thu cán mốc 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 dự kiến là 65 tỷ đồng, theo kế hoạch tăng hơn 44% so với năm 2018.

Ẩn số Kosy Group và

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính năm 2019, doanh thu của công ty đạt 1.062,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 20,1 tỷ đồng trong khi năm 2018 là 40,1 tỷ đồng, nghĩa là lợi nhuận giảm 50% so với cùng kỳ.

Năm 2020, Kosy Group ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.308,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 21,9 tỷ đồng.

Đến năm 2021 và 2022, doanh nghiệp này cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 22,5 tỷ đồng và 21,7 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính năm 2023, Kosy Group ghi nhận doanh thu 1.315,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đi ngang với hơn 21 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2023, doanh nghiệp này có tổng tài sản là 4.752 tỷ đồng.

TỒN KHO BẤT ĐỘNG SẢN LỚN

Năm 2016, Kosy Group bắt đầu công bố kế hoạch phát triển hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên… Tổng số dự án công khai trên website của doanh nghiệp này là 16 dự án khu đô thị quy mô lớn. Trong đó có 4 dự án đang thi công, 3 dự án đã hoàn thành và 9 dự án sắp triển khai.

Theo đó, báo cáo tài chính từ năm 2019 - 2023 cho thấy, hàng tồn kho của Kosy Group ngày càng phình to.

Cụ thể, năm 2019, tồn kho của doanh nghiệp ở 789,2 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tại dự án Kosy Sông Công là 102 tỷ đồng; dự án Kosy Lào Cai 330 tỷ đồng; dự án Cầu Gỗ 14,4 tỷ đồng; Kosy Bắc Giang 257 tỷ đồng; dự án Kosy Gia Sàng 36,6 tỷ đồng; và các dự án khác.

Cuối năm 2020, tồn kho bất động sản doanh nghiệp đạt 1.039,8 tỷ đồng. Trong đó, dự án Kosy Sông Công 127 tỷ đồng; dự án Kosy Lào Cai gần 390 tỷ đồng; Kosy Gia Sàng 11 là 195 tỷ đồng, Kosy Bắc Giang 193 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 4 dự án này, Kosy Gia Sàng 11, Tập đoàn Kosy mới trúng thầu từ tháng 5/2020. Tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị hàng tồn kho của dự án chỉ là 0 đồng nhưng nhanh chóng vọt lên 195 tỷ đồng chỉ sau 7 tháng. Ngoài ra, hai dự án Kosy Lào Cai, Kosy Sông Công vẫn tăng tốc tồn kho.

Trong năm 2021, tồn kho của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên tới 1.304 tỷ đồng. Đáng chú ý, tồn kho lớn nhất ở top 3 dự án: Kosy Lào Cai (415 tỷ đồng); Kosy Gia Sàng 11 (348 tỷ đồng); Kosy Bắc Giang (212 tỷ đồng).

Trong năm 2022, hàng tồn kho đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, tập trung tại các dự án bất động sản dở dang gồm: Kosy Sông Công (111 tỷ đồng), Kosy Lào Cai (432 tỷ đồng), Kosy Bắc Giang (360 tỷ đồng), Kosy Gia Sàng 11 (445 tỷ đồng), Kosy Hà Nam (681 tỷ đồng)…

Năm 2023, tồn kho "đạt đỉnh" ở 2.473,8 tỷ đồng, tăng tới 90% so với năm trước. Đây toàn bộ là chi phí sản xuất dở dang liên quan đến hàng loạt dự án tại Hà Nam, Bắc Giang, Lào Cao, Thái Nguyên.

Theo giới phân tích, những con số tồn kho trên sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh thu và lợi nhuận của Kosy Group bởi hàng năm, loạt chi phí như: Sử dụng đất, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng… doanh nghiệp vẫn phải chi trả. 

Mặt khác, Kosy Group còn có khát vọng trở thành tập đoàn đa ngành, theo đó, đến cuối năm 2023, Kosy Group đã thực hiện đầu tư vào: Công ty cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu hơn 221 tỷ đồng và Công ty cổ phần Quản lý và vận hành lưới điện 110KV Lai Châu gần 8 tỷ đồng. 

CỔ PHIẾU KOS "BAY CAO" LIỆU CÓ ĐÁNG LO?

Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm, kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu KOS vẫn tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, năm 2019, hơn 100 triệu cổ phiếu KOS đã chính thức niêm yết với giá tham chiếu 23.200 đồng.

Từ năm 2020 - 2022, cổ phiếu này liên tục tăng giá, thanh khoản KOS thường xuyên duy trì ở mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên (dao động nhiều ở khoảng 300.000 - 400.000 cổ phiếu/phiên), số lượng cổ đông ít thay đổi.

Đáng chú ý, trong giai đoạn tháng 11/2022, khi VN-Index giảm mạnh về đáy 910 điểm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn và tìm đáy lịch sử dưới áp lực bán giải chấp trên diện rộng, KOS là một trong số ít mã trong ngành vẫn tăng quanh ngưỡng 35.000 - 36.000 đồng/CP.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, KOS tăng trong khoảng 36.000 – 39.000 đồng/CP, đạt đỉnh cao nhất lên 40.050 đồng/CP. Biên độ tăng giảm mỗi phiên thường ở dưới mức 0,5% với thanh khoản vài trăm nghìn cổ phiếu.

Ẩn số Kosy Group và

Lịch sử giá cổ phiếu KOS.

Ẩn số Kosy Group và

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, trên thực tế, các doanh nghiệp rất lo lắng chuyện kết quả kinh doanh lãi, lỗ bởi việc này quyết định giá cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Do đó, doanh nghiệp nào cũng mong muốn báo lãi, từ đó các cổ đông cũng như là những người mua bán cổ phiếu và trái phiếu yên tâm hơn. 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có một số mã cổ phiếu rất khó hiểu, đi ngược lại với tình hình kinh doanh lỗ đậm liên tiếp của doanh nghiệp, thách thức mọi phân tích cơ bản của chứng khoán. 

Theo đó, TS. Hiếu cho rằng, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác đối với các cổ phiếu của doanh nghiệp có nội tại không tốt nhưng thị giá và khối lượng tăng mạnh. Bởi, những cổ phiếu này hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng phân phối và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân khi chọn cổ phiếu phải theo dõi tất cả các chỉ số sinh lời, dòng tiền của doanh nghiệp phát hành trong nhiều năm. Đặc biệt, phải xem kỹ P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu). Nếu P/E cao hơn 30 lần thì đó là các cổ phiếu có thể đã bị làm giá.

Chuyên gia cho biết thêm, trên thị trường chứng khoán cũng cần vai trò, trách nhiệm giám sát cao hơn từ các cơ quan quản lý để phát hiện các doanh nghiệp có thay đổi đột biến về vốn, tài sản. Việc tăng vốn đúng vẫn cần phải kiểm tra, quản lý dòng tiền. Doanh nghiệp có dấu hiệu nhận biết giao dịch vòng vèo cần phải thanh, kiểm tra ngay.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top